(Acare VN) Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc bổ sung/ sử dụng chính xác liều lượng của tanin trong khẩu phần ăn sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích tích cực giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột và tối ưu năng suất của gia cầm.
Các nhà chăn nuôi gia cầm đều biết rằng, đường ruột khỏe mạnh là một yếu tố quan trọng giúp cho gia cầm đạt được năng suất tối ưu. Nhưng thật không may, việc quản lý những thách thức về sức khoẻ đường ruột (như bệnh cầu trùng và viêm ruột hoại tử) trong các hệ thống chăn nuôi không kháng sinh lại không hề dễ dàng. Việc sử dụng các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi – cụ thể là tanin – sẽ giúp bảo vệ gia cầm khỏi các thách thức bệnh tật, giúp mang lại nhiều lợi ích tiềm năng và còn là chìa khoá giúp tối ưu sức khỏe đường ruột gia cầm.
Tanin là các phân tử thực vật tự nhiên được tìm thấy trong các loại hạt ngũ cốc, gỗ cây, quả hạch và trái cây. Tanin từ lâu đã được coi là một chất kháng dưỡng trong khẩu phần ăn của gia cầm với khả năng liên kết của nó với các protein tạo nên những phức khó phân giải. Nhưng trên thực tế, tanin đại diện cho một nhóm phân tử có các cấu trúc và tính chất biến đổi rất đa dạng. Điều quan trọng là, nguồn gốc và cấu trúc của tanin có thể tác động lớn đến các đặc tính dinh dưỡng hoặc kháng dưỡng của nó (Theo nghiên cứu của Mueller-Harvey, 2006). Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc bổ sung/ sử dụng chính xác liều lượng của tanin trong khẩu phần ăn sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích tích cực giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột và tối ưu năng suất của gia cầm.
Tanin được công nhận là chất chống oxy hóa tự nhiên hiệu quả cao. Do cấu trúc polyphenolic của chúng, tanin có khả năng loại bỏ đáng kể các gốc tự do có thể làm hỏng màng tế bào ruột – đây là nguyên nhân gây nên căng thẳng (stress) oxy hóa và dẫn đến viêm nhiễm.
Tanin có thể giúp kiểm soát stress oxy hóa cũng như các phản ứng viêm trong ruột bằng cách hỗ trợ giữ cân bằng phản ứng oxy hóa khử. Ví dụ, ứng dụng của tanin đã được báo cáo là giúp làm giảm stress oxy hóa và làm giảm viêm trong mô ruột kết (Theo nghiên cứu của Hamiza và cộng sự, 2012). Tanin cũng có thể giúp tăng cường tình trạng chống oxy hóa trong huyết thanh của mô cơ cũng như cải thiện thời hạn sử dụng của các sản phẩm thịt gia cầm đông lạnh.
Lần gần đây nhất khi bạn được thưởng thức một loại rượu vang đỏ có hương vị đậm đà hoặc ăn một miếng sô cô la đen nguyên chất 90%, bạn có còn nhớ vị chua, đắng trên lưỡi của mình không? Chúng ta nhận biết được các hương vị đó là do tất cả các loại tanin đều sở hữu đặc tính liên kết với protein và tính làm săn se. Theo định nghĩa, đặc tính làm săn se mô tả khả năng của một phân tử co lại hoặc thắt chặt các tế bào cơ thể và các mô tế bào khác - đặc tính này của tanin có thể mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe đường ruột.
Khi nói đến tính toàn vẹn của ruột, việc duy trì các mối nối chặt chẽ giữa các tế bào biểu mô ruột là rất quan trọng. Căng thẳng môi trường, viêm nhiễm hoặc các mầm bệnh đường ruột là những nguyên nhân có thể gây ra sự phá vỡ hàng rào ruột dẫn đến hội chứng rò rỉ ruột, làm cho gia cầm kém hấp thu chất dinh dưỡng và chậm phát triển. Bằng cách giúp siết chặt các mối nối giữa các tế bào biểu mô ruột, tanin có thể giảm bớt sự hình thành tổn thương ở ruột, từ đó giúp củng cố tính toàn vẹn của hàng rào ruột và giúp hỗ trợ gia cầm đạt năng suất tối ưu.
Khi được nghiên cứu trong ống nghiệm, tanin đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự phát triển của một số các tác nhân gây bệnh ở gia cầm, bao gồm các chủng khuẩn Campylobacter, Salmonella và Clostridium perfringens (Theo Redondo và cộng sự, 2014; Elizondo và cộng sự, 2010). Các tác động kháng khuẩn, chống ký sinh trùng và chống vi rút của tanin có thể liên quan đến sự phức hợp của tanin với các enzyme vi sinh vật và/hoặc các ion kim loại (như sắt), đây là khả năng cần thiết cho sự phát triển và chuyển hóa mầm bệnh (Theo nghiên cứu của Chung, 2018; Min và cộng sự, năm 2003).
Thật thú vị khi biết rằng, tính kháng khuẩn của tanin được cho là khó phát triển do cấu trúc phức tạp của các phân tử tanin. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra thêm rằng việc cho ăn tanin có thể giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của bệnh cầu trùng và viêm ruột hoại tử ở gia cầm, từ đó giúp cải thiện năng suất của chúng (Theo Tosi và cộng sự, 2013; Tonda và cộng sự, 2018).
Ngoài các đặc tính kháng khuẩn, tanin còn có thể giúp điều chỉnh tích cực hệ vi sinh đường ruột và tác động đến khả năng miễn dịch niêm mạc. Gần đây, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho gà thịt ăn thức ăn chứa tanin đã làm gia tăng sự đa dạng các vi sinh vật thuộc các họ vi khuẩn Ruminococcaceae và Lachnospiraceae, cả hai loại khuẩn này đều có mối liên quan đến việc cải thiện sức khỏe đường ruột và hiệu quả sử dụng thức ăn của gia cầm (Theo Carrasco và cộng sự, 2018). Việc bổ sung tanin vào khẩu phần ăn cũng đã được chứng minh là giúp tăng cường các IgA của biểu mô và nồng độ chất nhầy trong ruột , từ đó giúp tăng cường khả năng miễn dịch của niêm mạc (Theo Karaffova và cộng sự, 2019).
Tanin mang lại nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ sức khỏe đường ruột của gia cầm. Tuy nhiên, các nhà chăn nuôi cần phải nhớ thực hiện cân bằng việc sử dụng tanin trong khẩu phần ăn của gia cầm. Việc lựa chọn tanin đúng loại, ở đúng mức độ và đúng thời điểm là rất quan trọng để đảm bảo lợi ích tối đa cho việc sử dụng các phụ gia thức ăn có chứa tanin cho gia cầm.
Nguồn: kemin.com
Biên dịch: Acare VN Team
2016 – 2024 ACARE VIETNAM ALL RIGHTS REVERSED