PHẦN I
Khi xem xét các khả năng về nguyên liệu thô, các nguyên liệu thay thế có thể trở nên hấp dẫn hơn về mặt kinh tế và khả thi hơn để đưa vào thức ăn cho gia cầm. Ví dụ ở Tây Âu, lúa mì thường là loại ngũ cốc kinh tế được lựa chọn lâu đời, một sự tăng giá đột biến của lúa mì có thể khiến ngô hoặc cao lương trở thành các nguyên liệu thay thế khả thi. Và ngược lại, ở một số nước châu Á nơi ngô là loại ngũ cốc được sử dụng phổ biến, lúa mì đôi khi đã trở thành một lựa chọn thay thế kinh tế hơn trong khẩu phần ăn của gà thịt và gà giống.
Một kết quả của việc tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là làm cho các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi và các thành phần vi lượng trở nên hấp dẫn hơn để tối ưu hóa khẩu phần ăn. Sự gia tăng trong việc sử dụng các enzym, axit amin tổng hợp và axit amin tinh thể đã xảy ra trên khắp thế giới. Sự biến động về giá của các nguồn năng lượng và protein đã dẫn đến việc tăng cường sử dụng các enzym ngoại sinh như phytase, carbohydrases và protease.
Thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang phát triển đòi hỏi sự hiểu biết tốt hơn về các lựa chọn nguyên liệu thay thế khác nhau, tiềm năng và hạn chế của chúng để đưa vào khẩu phần ăn của gia cầm. Bài viết này cung cấp thông tin về việc sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay thế và các cơ hội tiềm năng trong việc sử dụng chúng cũng như tăng cường hơn nữa về khả năng cạnh tranh kinh tế.
1. Cao lương
Cao lương là cây ngũ cốc quan trọng thứ năm trên thế giới, được sử dụng ở nhiều vùng như một loại cây thay thế cho ngô hoặc lúa mì làm nguồn năng lượng chính trong khẩu phần ăn của gia cầm. Các giống cao lương được chia thành nhiều loại dựa trên kiểu gen và hàm lượng tanin. Các tác động có hại của tanin trong thức ăn gia cầm bao gồm giảm lượng thức ăn ăn vào, giảm khả năng tiêu hóa axit amin, ức chế các enzym tiêu hóa và có thể ảnh hưởng đến giá trị ME.
Tác động có hại của cao lương rõ rệt hơn ở gà con. Khi sử dụng cao lương trong chế độ ăn của gia cầm, những điều sau đây phải được xem xét:
• Giá trị dinh dưỡng: Giá trị dinh dưỡng của cao lương xấp xỉ 95% so với ngô, hàm lượng năng lượng cao và ổn định hơn lúa mì.
• Protein: Chất lượng dinh dưỡng của protein và sự thay đổi về hàm lượng axit amin và khả năng tiêu hóa là mối quan tâm đối với cao lương và cần được theo dõi.
• Tinh bột: Cao lương thường có tỷ lệ tiêu hóa tinh bột thấp nhất trong tất cả các loại ngũ cốc.
• Chế biến: Kết cấu hạt, kích thước hạt và nhiệt độ ép viên là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng viên và có khả năng ảnh hưởng đến năng suất của gà thịt khi cho ăn khẩu phần có cao lương. Đạt được hiệu quả nghiền là rất quan trọng, để tránh sự hiện diện những hạt còn nguyên trong thức ăn, mà còn được tìm thấy trong phân.
• Sắc tố: Trái ngược với ngô, xanthophylls không có trong cao lương nên đối với những thị trường yêu cầu thân thịt có màu, trong khẩu phần ăn phải được bổ sung ngô hoặc chất tạo màu.
2. Lúa mạch
Lúa mạch thường được trồng để lên men, nhưng cũng được trồng làm thức ăn cho động vật ở một số khu vực, đặc biệt là các nước ôn đới. Hạt lúa mạch có hàm lượng protein thay đổi (từ 6 đến 13%) và hàm lượng tinh bột khoảng 55-57%, do đó lúa mạch có hàm lượng năng lượng thấp hơn cả ngô và lúa mì.
Khi sử dụng trong khẩu phần ăn của gia cầm, cần lưu ý một số điều sau:
• Giá trị dinh dưỡng: Giá trị dinh dưỡng của lúa mạch thấp hơn so với ngô và lúa mì. Hàm lượng NSP và chất xơ cao hơn (khoảng 5%) và sự hiện diện của ß-glucans khiến gà con khó tiêu hóa hơn. Lúa mạch cũng có nồng độ lysine, vitamin A, D, E và canxi thấp hơn. Lúa mạch không nên được sử dụng làm nguồn năng lượng duy nhất mà phải pha trộn với các loại ngũ cốc khác như lúa mì hoặc ngô.
• Enzyme: ß-glucanase phải được bổ sung vào khẩu phần ăn để giảm tác động tiêu cực đến độ nhớt của ruột và chất lượng phân thải ra.
3. Yến mạch
Yến mạch là một loại ngũ cốc chịu lạnh thường được trồng ở những vùng lạnh hơn trên thế giới như Bắc Âu và Canada. Những điều cần xem xét với yến mạch là:
• Năng lượng: Yến mạch cung cấp ME thấp nhất trong tất cả các loại ngũ cốc do hàm lượng chất xơ cao và hàm lượng tinh bột thấp hơn (40-42%).
• Protein: Thành phần protein và khả năng tiêu hóa của yến mạch là một trong những loại ngũ cốc tốt nhất do hàm lượng globulin cao hơn.
• Lipid: Chất lượng dầu của yến mạch cao do có nhiều axit béo không no (oleic và linoleic). Tuy nhiên, nếu sử dụng ở hàm lượng cao, thân thịt mỡ có thể trở thành một vấn đề.
• Chất xơ hòa tan: Chứa hàm lượng ß-glucan đáng kể có thể dẫn đến các vấn đề về độ nhớt của đường tiêu hóa và do đó phải bổ sung ß-glucanase.
Biên dịch: Acare VN Team
Nguồn: eu.aviagen.com
2016 – 2024 ACARE VIETNAM ALL RIGHTS REVERSED